7 cách chứng tỏ sự nghiêm túc trong công việc

10 /042017

7 cách chứng tỏ sự nghiêm túc trong công việc

Sự hài hước cũng là nét thú vị của những người làm kinh doanh, tuy nhiên, sự nghiêm túc trong công việc mới là yếu tố cần thiết nhất mà bạn phải rèn luyện và trau dồi thường xuyên.

Theo nghiên cứu, việc trình bày thẳng thắn và nghiêm túc về các quan điểm cũng như kiến thức về công việc, cuộc sống sẽ giúp uy tín của bạn được gia tăng đáng kể.

Sau đây là 7 cách để bạn chứng tỏ cho người khác thấy mình là một người luôn nghiêm túc và tuyệt đối tôn trọng công việc.

1. Để người khác nói về bản thân họ

Đây chính là một trong những bí quyết để tạo ấn tượng tốt mà không phải ai cũng biết.

Một nghiên cứu của Đại học Harvard cho thấy, việc nói về bản thân cũng có khả năng kích thích não bộ tương tự như một bữa ăn ngon hoặc sự kích thích giới tính.

Khi mỗi người nói về những trải nghiệm cá nhân của mình, họ phần nào trở nên yếu đuối, dễ bị tổn thương hơn. Và khi đó, họ sẽ có xu hướng dễ dàng gắn kết với người đối diện hơn.

2. Trang phục chỉn chu

“Hình thức bề ngoài là ấn tượng đầu tiên chúng ta tạo ra cho người khác, điều này đúng trong mọi hoàn cảnh”, Sylvia Ann Hewlett, tác giả của cuốn sách “Executive Presence: The Missing Link Between Merit and Success" cho biết.

Những nhà nghiên cứu Princeton đã chứng minh, một người chỉ mất khoảng 0,1 giây để tạo ra ấn tượng đầu tiên đối với người khác, thời gian này tương đương với cái đập cánh của một con chim ruồi.

>> Trang phục và diện mạo có ảnh hưởng đến sự nghiệp của bạn?

Sự chỉn chu ở đây không có nghĩa là bạn phải quá chải chuốt với một bộ cánh thời thượng hoặc một kiểu tóc “mô-đen”, cũng không hẳn là bạn phải luôn diện một bộ trang phục màu xám từ ngày này qua ngày nọ để chứng tỏ sự nghiêm túc.

Đơn giản nhất, hãy nhìn vào cách ăn mặc của những người cùng ngành hoặc trong công ty của bạn và học hỏi một cách chắt lọc để tạo ra một phong cách chỉn chu cho riêng mình.

3. Bắt tay chặt và chắc

Một cái bắt tay chặt và chắc là phương tiện để khẳng định sự hiện diện của bạn một cách hiệu quả.

Trên đường đi hoặc trong sảnh tiệc, hãy điều chỉnh vai của mình thẳng và hướng đến người mà mình đang hoặc sắp trò chuyện.

Khi bắt tay người đối diện, bạn phải giữ ánh nhìn thẳng vào mắt họ, bắt tay chặt và chắc, khuỷu tay gần như tạo thành một góc vuông. Và đừng quên cười để chứng tỏ thành ý và sự tôn trọng đối với người đang bắt tay với mình.

4. Giữ tư thế thoải mái

Tư thế của cơ thể có ảnh hưởng lớn đến cách mà bạn cảm nhận mọi thứ xung quanh, cách bạn thể hiện thái độ và cách mà người khác cảm nhận sự hiện diện của bạn.

Chẳng hạn như, khi bạn đang đảm nhận vai trò đầu tàu của một cuộc họp, hãy giữ vai và cánh tay luôn mở rộng. Tư thế này sẽ “ngầm” báo cho hệ thống hóc-môn giải phóng một nguồn năng lượng cần thiết để giúp bạn trông tự tin hơn.

“Bạn sẽ có một sức mạnh thật sự khi giữ cho tư thế của mình luôn rộng mở”, giáo sư Andy Yap từng nói.

5. Hãy kể những câu chuyện

Những con số cụ thể có khả năng tạo ấn tượng, nhưng nó không đủ để kết nối mọi người với nhau.

Kinh nghiệm từ TED Talks (nơi tập hợp những bài diễn thuyết được ghi hình tại các sự kiện của tổ chức phi lợi nhuận TED hay tại các sự kiện độc lập TEDx diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới) cho thấy: các bài thuyết trình thành công nhất thường bao gồm 65% các câu chuyện và 25% các con số, phần còn lại là sự giải thích hoặc củng cố quan điểm dựa vào kinh nghiệm cá nhân của người diễn thuyết.

Sheryl Sandberg đã nhận ra điều này trước khi thực hiện bài diễn thuyết TED Talk vô cùng đột phá của mình vào năm 2010.

>> Sheryl Sandberg không muốn được gọi là "nữ lãnh đạo"

Cô nói với phóng viên rằng: “Ban đầu tôi đã dự định sẽ trình bày bài nói của mình với toàn những số liệu thống kê và những sự kiện thực tế mà không chêm thêm bất cứ quan điểm cá nhân nào vào”.

Nhưng trước khi Sheryl Sandberg lên sân khấu, một người bạn đã cản cô lại và nói rằng, hãy quên những khuôn khổ giáo điều đi, và nghĩ về một số trải nghiệm cá nhân để làm sinh động bài diễn thuyết của mình. Sheryl Sandberg chợt nhớ ra lúc cô rời khỏi nhà hôm đó, con gái cô đã giật mạnh chân mẹ và “mè nheo” để cô đừng đi.

Tại sao không kể về câu chuyện đó? Người bạn của Sheryl Sandberg nói. Sandberg đã nghe theo lời khuyên đó. Cô đã thực hiện bài diễn thuyết với nhiều ví dụ sinh động tương tự và nhanh chóng tạo ra một “phong trào kể chuyện” để làm tăng tính thuyết phục và sự tin tưởng cho người nghe.

6. Chú ý giọng điệu

Giọng điệu khi nói cũng quan trọng không kém nội dung câu nói. Nếu bạn kết thúc câu bằng giọng điệu cao hơn lúc bắt đầu, quan điểm của bạn sẽ trở nên không chắc chắn hơn đối với người nghe, mặc dù bạn không cố tình tỏ ra như vậy.

>> Thuật xử thế: Để trở thành "cao thủ" giao tiếp

57% trong số 700 chuyên gia được khảo sát gần đây cho rằng, họ nghĩ việc lên giọng sẽ càng làm cho luận điểm của bạn kém tin cậy hơn.
Hãy để những con số tự nói lên thông điệp của nó, nhà tư vấn chiến lược Bernard Marr cho biết.

“Việc lên giọng không có chỗ đứng trong một môi trường làm việc chuyên nghiệp. Vì thế, nếu bạn muốn có một sự nghiệp tốt, đơn giản là đừng bao giờ lên giọng với người khác”, Bernard Marr nói.

7. Tự tin và khiêm tốn

Bậc thầy về giao tiếp - đồng tác giả của cuốn sách "Heart, Smarts, Guts, and Luck: What It Takes to Be an Entrepreneur and Build a Great Business" - Anthony K. Tjan cho rằng, muốn được người khác tôn trọng, bạn phải “kết hôn” với sự khiêm tốn để đạt được sự tự tin như mong muốn.

Nghe thì có vẻ như mâu thuẫn, nhưng thật ra là “bạn cần phải có đủ tự tin để làm chủ được sự tôn trọng của người khác dành cho mình, nhưng cũng phải kết hợp hài hòa với sự khiêm tốn”. Vì “khiêm tốn là con đường dẫn đến sự tôn trọng, và tự tin chính là chìa khóa để làm chủ và phát huy tối đa sự tôn trọng ấy”, theo Anthony K.Tjan.

                                                               theo doanhnhansaigon

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Sale

Không sẵn có

Hết hàng

zalo